Điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng tăng trong những năm gần đây khiến không ít thí sinh gặp khó khăn, bất lợi.
Tăng điểm chuẩn xét tuyển đại học
Những năm gần đây, điểm chuẩn xét tuyển đại học, cao đẳng dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT đang có xu hướng tăng. Năm 2018, trường Đại học Kinh tế – luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) có mức điểm chuẩn dao động từ 18,5 đến 23,15. Năm 2019, con số này đã nằm trong khoảng từ 21,1 đến 25,7 và đến năm 2020 thì tăng lên trong khoảng từ 22,2 đến 27,45.
Phân tích nguyên nhân, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định, năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phạm vi thi và nội dung thi đã có nhiều thay đổi với độ khó được giảm bớt, dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng tăng lên.
Cũng theo thầy Thưởng, thực chất, kì thi Tốt nghiệp THPT hiện nay được thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020. Theo đó, kì thi THPT Quốc gia đã được đổi tên thành kì thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì kết hợp với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây.
Cụ thể, ma trận đề thi có nhiều thay đổi như tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu tăng lên, số lượng các câu vận dụng giảm xuống. Ví dụ đối với môn Toán, tỉ lệ các câu hỏi ở mức vận dụng trong đề thi chiếm khoảng 30%. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao, nhằm phân loại thí sinh ở top đầu chỉ còn khoảng 10%.
Bên cạnh đó, với hình thức thi trắc nghiệm, trong trường hợp không làm được bài, thí sinh thi môn Toán vẫn có cơ hội chọn được đáp án đúng. Điều này dẫn tới tình trạng điểm xét tuyển đại học, cao đẳng có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Học sinh cần nỗ lực nhiều hơn
Hiện nay, một số trường đại học đã đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh, đưa ra một số giải pháp nhằm phân loại, đánh giá và tuyển chọn thí sinh, đảm bảo ngưỡng đầu vào như tổ chức kì thi riêng.
“Việc các trường tổ chức kì thi riêng phần nào đó nằm trong lộ trình tự chủ của các trường cũng như xu hướng giáo dục đại học của các nước có nền giáo dục tiên tiến – vừa để thu hút những học sinh “có chất lượng”, bước đầu tự chủ trong khâu tổ chức thi tuyển, xét tuyển; vừa để đảm bảo chất lượng đầu vào”, thầy Thưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển đại học khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT. Sự đa dạng này đã tạo thêm sự lựa chọn cho thí sinh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ở một số phương thức xét tuyển đại học, chẳng hạn như xét tuyển dựa trên học bạ THPT, đối tượng ưu tiên đầu tiên thường là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, trong khi những học sinh bình thường lại là đối tượng ưu tiên cuối cùng. Do đó, cơ hội vào đại học theo phương thức này sẽ không cao đối với những em có học lực không giỏi.
Ngoài ra, khi một trường đa dạng hóa phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được phân bổ cho mỗi phương thức. Như vậy, chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có nhiều khả năng sẽ giảm xuống.
“Các em nên lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với khả năng của mình. Và dù lựa chọn “con đường” nào thì sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm và chăm chỉ cũng là điều kiện tiên quyết. Các em nên thiết lập mục tiêu, xây dựng lộ trình học tập rõ ràng và kiên trì thực hiện theo”, thầy Thưởng nhắn nhủ.
Ở những trường đại học top đầu có xét tuyển dựa trên kết quả của bài thi riêng, nếu vẫn muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thí sinh cần nỗ lực nhiều hơn, bởi việc thi vào các trường đại học hàng đầu có tính cạnh tranh rất cao. Trước khi vào năm học lớp 12, các em có thể bắt đầu lộ trình ôn thi đại học bằng cách lập kế hoạch học tập theo 3 bước: nắm chắc kiến thức toàn diện; luyện thuần thục mọi dạng bài; ôn tập chọn lọc trọng tâm.
Ngoài việc học theo chương trình trên lớp, các em cũng nên lựa chọn học thêm trực tuyến, tham gia các group học tập trên nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm các kho tài liệu, đề thi… nhằm bổ sung kiến thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Nếu đủ điều kiện, các em có thể tham gia kì thi riêng do một số trường đại học tổ chức. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng khi các trường đã tổ chức nhiều đề thi riêng thì phạm vi của đề thường rất rộng. Các em sẽ phải đối mặt với một số khó khăn về khoảng cách địa lí, di chuyển khó khăn trong mùa dịch…”, thầy Thưởng cho hay.
Muốn đạt được kết quả tốt trong những bài thi này, việc học đúng bản chất, nắm được kiến thức cốt lõi, biết cách vận dụng, liên hệ thực tế là rất quan trọng, bởi với đề thi riêng, phải thực sự có năng lực thì mới giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, thí sinh cũng nên học bổ sung một số nội dung đặc biệt sẽ xuất hiện trong bài thi, chẳng hạn như các nội dung logic, đọc hiểu, viết luận… từ ngay bây giờ.